Sunday, April 3, 2016

TS Nguyễn Hũu Vinh chọn và dịch 50 Bài Thơ Đường

TS Nguyễn Hũu Vinh chọn và dịch 50 Bài Thơ Đường


Mục Lục 50 bài thơ Đường chọn lọc
  1. Bài số 1: "Tạp Thi (Vương Duy)"
  2. Bài số 2: "Ðề Kim Lăng Độ (Trương Hỗ)"
  3. Bài số 3: "Tĩnh Dạ Tư (Lý Bạch)"
  4. Bài số 4: "Thục Đạo Hậu Kỳ (Trương Thuyết)"
  5. Bài số 5: "Văn Nhạn (Vi Ứng Vật)"
  6. Bài số 6: "Xuân Dạ Lạc Thành Văn Địch (Lý Bạch)"
  7. Bài số 7: "Xuân Hứng (Võ Nguyên Hành)"
  8. Bài số 8: "Dữ Sử Lang Trung Khâm Thính Hoàng Hạc Lâu Thượng Xuy Địch (Lý Bạch)"
  9. Bài số 9: " Sơn Trung (Vương Bột)"
  10. Bài số 10: " Vãn Xuân Giang Tình Ký Hữu Nhân (Hàn Tông)"
  11. Bài số 11: "Tuyệt Cú - kỳ nhị (Ðỗ Phủ)”
  12. Bài số 12: “Hoàng Hạc Lâu (Thôi Hiệu)”
  13. Bài số 13: “Tạp Thi (Vô danh thị)”
  14. Bài số 14: “Cửu Nguyệt Cửu nhật Ức Sơn Ðông Huynh Đệ (Vương Duy)”
  15. Bài số 15: “Thu Tứ (Trương Tịch)”
  16. Bài số 16: “Phần Thượng Kinh Thu (Tô Ðĩnh)”
  17. Bài số 17: “Lữ Túc (Ðỗ Mục)”
  18. Bài số 18: “Lữ Hoài (Thôi Ðồ)”
  19. Bài số 19: “Ðộ Hán Giang (Lý Tần)”
  20. Bài số 20: “Hồi Hương Ngẫu Thư (Kỳ nhất)(Hạ Tri Chương)”
  21. Bài số 21: “Hồi Hương Ngẫu Thư (Kỳ nhị)(Hạ Tri Chương)”
  22. Bài số 22: “Tạp Thi (Vô danh thị)”
  23. Bài số 23: “Vị Thành Khúc (Vương Duy)”
  24. Bài số 24: “Biệt Nhân (Vương Bột)”
  25. Bài số 25: “Cổ Ly Biệt (Vi Trang)”
  26. Bài số 26: “Nam Phố Biệt (Bạch Cư Dị)”
  27. Bài số 27: “Hoài Thượng Dữ Hữu Nhân Biệt (Trịnh Cốc)”
  28. Bài số 28: “Hoàng Hạc Lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng (Lý Bạch)”
  29. Bài số 29: “Giang Đình Dạ Nguyệt Tống Biệt (Vương Bột)”
  30. Bài số 30: “Ðơn Dương Tống Vi Tham Quân (Nghiêm Duy)”
  31. Bài số 31: “Tạ Đình Tống Biệt (Hứa Hồn)”
  32. Bài số 32: “Sơn Trung Tống Biệt (Vương Duy)”
  33. Bài số 33: “Trùng Tặng Lạc Thiên (Nguyên Chẩn)”
  34. Bài số 34: “Tống Trầm Tử Phúc Chi Giang Đông (Vương Duy)”
  35. Bài số 35: “Tống Sài Thị Ngự (Vương Xương Linh)”
  36. Bài số 36: “Tống Linh Triệt (Lưu Trường Khanh)”
  37. Bài số 37: “Tống Lý Thị Lang Phó Thường Châu (Giả Chí)”
  38. Bài số 38: “Kim Lăng Tửu Tứ Lưu Biệt (Lý Bạch)”
  39. Bài số 39: “Dạ Bạc Ngưu Chử Hoài Cổ” (Lý Bạch)
  40. Bài số 40: “Ký Nhân (Trương Bí)”
  41. Bài số 41: “Ðề Ðô Thành Nam Trang (Thôi Hộ)”
  42. Bài số 42: “Giang Lâu Hữu Cảm (Triệu Hỗ)”
  43. Bài số 43: “Dạ Vũ Ký Bắc (Lý Thương Ẩn)”
  44. Bài số 44: “Ức Ðông Sơn (Lý Bạch)”
  45. Bài số 45: “Thu Dạ Ký Khưu Viên Ngoại (Vi Ứng Vật)”
  46. Bài số 46: “Túc Lạc Thị Đình Ký Hoài Thôi Ung Thôi Cổn (Lý Thương Ẩn)”
  47. Bài số 47: “Vọng Nguyệt Hoài Viễn (Trương Cửu Linh)”
  48. Bài số 48: “Kim Hương Tống Vệ Bát Chi Tây Kinh (Lý Bạch)”
  49. Bài số 49: “Vấn Lưu Thập Cửu (Bạch Cư Dị)”
  50. Bài số 50: “Thu Dạ Hỷ Ngộ Vương Xử Sĩ (Vương Tích)”

Created on 09/25/2006 05:28 PM by NHV
Updated on 12/21/2006 05:38 PM by NHV
Nguồn: Trang Nhà Hoài Hương


NGUYỄN HỮU VINH – KẺ LƯU ĐÀY TRÊN ĐẢO XANH


Như một kẻ “ bị lưu đày trên đảo xanh”, Hữu Vinh luôn hướng về quê nhà với trái tim của chàng trai 18 tuổi- tuổi của ngày rời xa người mẹ thân yêu, xa tiếng chuông chùa Thiên Mụ, xa con đường đến trường xuôi theo giòng Hương quen thuộc đến chân trời mới lạ để rồi bằn bặt 18 năm sau mới có cuộc đoàn viên rưng rưng nước mắt trên quê xưa.
Đầy trong trái tim 18 ấy là làng Xuân Hòa hiền hòa bên giòng Hương xứ Huế với những khu vườn mướt xanh cây lá, là tuổi thơ vô tư trong trẻo với nhũng trò chơi hồn nhiên con trẻ, là tuổi mới lớn nhiều ước vọng thấp thoáng bước chân chim của cô hàng xóm trong giấc mơ. Và nhiều hơn hết, rõ hơn hết  là hình ảnh người mẹ tảo tần,  suốt ngày hết bếp lại vườn, hết chợ trên lại về chợ dưới. Tất bật vậy nhưng nụ cười không thiếu trên môi bởi đàn con khôn lớn từng ngày, học hành giỏi giang đã là nguồn vui vô hạn. Ngày tiễn Vinh sang xứ người, mạ Vinh đinh ninh trong dạ rằng đó chỉ một cuộc xa năm năm không hơn. Nào ngờ đất nước biến động. Những tưởng không còn gặp lại đứa con trai, nước mắt rơi gần  bằng mưa Huế khiến bà mỏi mòn để khi trùng phùng cứ ngỡ không phải là sự thật. Và hình ảnh mạ ấp ủ suốt 18 năm đã trở thành tượng đài trong tâm hồn  khiến Vinh bội phần thương mạ khi gặp lại người dung mạo đã khác xưa. Từ đó Vinh nguyện sẽ dành cho mạ những gì tốt đẹp nhất mình có thể. Và  hạnh phúc lớn nhất của anh là mỗi năm một lần bay về Xuân Hòa quanh quẩn bên mạ dăm bữa nửa tháng.
Cũng đầy trong trái tim mười tám tuổi ấy là thanh điệu bỗng trầm, là từ ngữ mộc mạc của tiếng Huế. Biết bao lần giữa tấp nập ngược xuôi  trên xứ người, anh ngỡ như nghe thấy tiếng reo vui “Ê! Thằng Vinh nớ! Mi đi mô rứa?” của bạn bè ngày xưa hay nhỏ nhẻ “Anh ni dị ghê, ngó người ta hoài” của cô hàng xóm. Hóa ra đấy chỉ là mộng tưởng. Anh khát tiếng mẹ, khát âm giọng quê nhà. Nỗi khát ấy đã giúp Vinh giữ mãi âm sắc Huế, tiếng Huế dù sống giữa cộng đồng nói tiếng Hoa hoặc tiếng Anh, khiến anh em bạn bè khâm phục cảm mến. Người cảm động và tự hào nhất không ai khác là mạ của Vinh. Tôi nghĩ rằng hẳn Vinh đã phải trò chuyện với mình hằng ngày bằng tiếng VIỆT HUẾ mới được như vậy, vì không ít người xa xứ vài năm đã không còn thuần giọng huống chi Vinh đã  hơn ba mươi năm không mấy khi được nghe được nói tiếng mẹ đẻ, lại là tiếng Huế trên đất người. Taiwan – nơi gia đình Vinh ở không phải là thành phố nhiều người Việt sinh sống (khác với California hay Huston bên Mỹ). Anh tâm sự rằng để được gặp đồng hương, thỉnh thoảng cuối tuần anh phải lái xe hơn hai trăm cây số đi và về. Mới biết trong muôn vàn nỗi khổ có cả nỗi thèm tiếng quê nhà.
Trong trái tim ấy,  miền trung với Huế thơ mộng; nước Việt với non sông gấm vóc luôn hiện hữu. Điều này được nói lên bằng tên hai đứa con của anh với người bạn đời Đài Loan: Nguyễn Trung Việt- Nguyễn Hoài Nam. Đặt tên con cũng là một cách vừa tự dặn mình vừa để nhắc nhở thế hệ tiếp nối đừng bao giờ quên nguồn cội. Mỗi lần cả gia đình cùng về thăm quê, anh đều đưa vợ con thăm nhà thờ họ, thăm khu mộ tổ. Không cần nhiều lời, việc làm này đã thay anh nói với con về những gì chúng cần phải biết từ quá khứ, hiện tại và cả tương lai.  Khó có thể nói trước điều gì sẽ đến với mỗi chúng ta trong cuộc đời này. Riêng với Vinh anh biết đường về quê nội của thế hệ thứ hai, thứ ba trong gia đình nhỏ của anh  gần đấy mà cũng xa thẳm bởi anh không thể để lại cho con – huống chi cho cháu – trái tim mười- tám – tuổi được kỷ niệm ấu thơ ủ lửa nhớ thương, càng không thể chặn guồng quay của cuộc sống được nạp bằng nhiên liệu tư duy hiện đại. Điều này day dứt anh không ít. Có lẽ đây là lý do chính khiến anh thấy mình như là kẻ bị lưu đày.
Và kẻ lưu đày ấy, sau nhiều lần về quê quanh quẩn bên mạ, đã ngộ ra rằng mình phải làm gì đó ở xứ đã nhận mình làm công dân  để vừa nguôi ngoai nhớ thương vừa gắn đời mình với quê hương đất nước bằng những gì mình có được từ trí lực  và ý chí bền bỉ trên xứ người.
Taiwan có thư viện lớn nơi lưu giữ một ít thư tịch cổ, sách cổ của Việt Nam; về Việt Nam. Đặc biệt là sách lịch sử, văn học, tôn giáo. Với vốn chữ Hán phong phú , từ 1994 anh  bắt tay nghiên cứu Hán Nôm. Việc đầu tiên là khảo đính Việt Sử Lược – cuốn sử biên niên viết bằng chữ Hán, được biên soạn vào thời Trần – sau đó là An Nam Chí Lược – cũng là một cuốn sử xưa cùng thời. Là một chuyên gia computer thông thạo chữ Hán, anh còn phát huy thế mạnh của mình ở cả hai phương diện bằng cách góp công sức với Taiwan Chinese  Buddhist Electronic Text Association trong việc hoàn thành bản điện tử bộ Đại Tạng Kinh (Tripitaka). Ở độ tuổi 40, với  công việc chính là nghiên cứu Opto-electronics và computer electronics đây là một việc làm đáng khâm phục.
Và như một cơ duyên, sau một lần về Việt Nam, qua nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương  anh có được  bản thảo chữ Hán trọn bộ Lộc Minh Đình Thi Thảo gồm 197 bài thơ của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một đại quan triều Nguyễn và là  thi nhân  nổi tiếng của đất thần kinh. (Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương là con gái của thi nhân). Ở Taiwan anh đọc kỹ và xúc động với hình ảnh quê hương đất nước hiện rõ  qua mỗi địa danh quen thuộc, với cảm xúc đa chiều của tác giả bằng ngôn ngữ cô đọng. Chưa từng làm thơ, lại là thơ chữ Hán nhưng ngôn ngữ, hình ảnh và nhất là thi tứ dạt dào đầy ắp tình người phản ánh tâm hồn, trí tuệ và cả nhân sinh quan của một tao nhân quyền quý, lập tức thu hút tâm trí anh, khiến anh khó dứt ra được. Tạm gác việc khảo đính hai bộ sách quý, anh chuyên tâm vào dịch Lộc Minh Đình Thi Thảo.
Trừ khi  làm việc chuyên môn, hầu hết thời gian còn lại được anh dành cho việc khảo dịch, tra tìm các điển cố, điển tích và khó hơn hết là chuyển sang thơ Đường luật. Để thoát lẽ thường “dịch là phản” (Traduire, c’est trahir), anh đã dốc tâm tìm hiểu thêm  luật thơ (vốn không thuộc lĩnh vực hiểu biết sâu rộng của anh),  chọn lọc từ ngữ để vừa trung thành với  ý tứ vừa  gần gũi với nguyên bản mà vẫn bảo đảm  nhạc tính. Có thể nói việc dịch Lộc Minh Đình Thi Thảo trở thành niềm đam mê lạ lùng của Hữu Vinh và anh hoàn thành trọn vẹn công trình sau bốn năm miệt mài. Chưa bằng lòng với những gì mình đã làm, anh dành thêm nhiều thời gian chỉnh sửa, hiệu đính và sau đó chuyển thành bản điện từ để cuối cùng bản dịch Lộc Minh Đình Thi Thảo được Institude of Vietnamese Studies, California, USA, xuất bản cuối năm 2008.
Với phong cách làm việc của một nhà khoa học, Hữu  Vinh đã chú thích, chú giải một cách cặn kẽ các điển tích, điển cố vốn nhiều trong thơ Đường nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn. Để làm việc nầy anh đã nghiên cứu gần 60 tài liệu trong và ngoài nước- phần lớn là  sách xuất bản ở Taiwan. Đích thân anh trình bày  bản dịch. Mỗi bài thơ ngoài bản dịch theo lối thơ Đường và bản in chữ Hán còn có bản chụp thủ bút nguyên bản chữ Hán của tác giả, phần chữ Hán được viết lại bởi người dịch,  và bản dịch  văn xuôi. Hẳn rằng những ai có  được bản dịch Lộc Minh Đình Thi Thảo trong tay đều sẽ không thể phủ nhận đây  là công trình dịch thuật văn học quý báu với tính khoa học rất cao.  Điều thú vị khác cần nói đến  trong bản dịch này là  nhiều bài thơ nổi tiếng của  tác giả Đường thi trong nền  văn học Trung Quốc như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Vương Duy…đều được Vinh dịch kèm  trong phần chú thích. (Người viết bài này rất tâm đắc gọi đây là công trình 2 trong 1 ( cuốn )  hoặc 7 trong 1 ( trang ). ) Như vậy ngoài việc dịch LMĐTT, dịch thơ Đường cũng  trở thành đam mê của anh; nhờ đó anh đã hoàn thành một tuyển tập nhỏ gồm 50 bài thơ Đường chọn lọc với chủ đề về tình quê và tình bạn.

No comments:

Post a Comment